Theo giới thiệu của Công ty Tâm Lộc Phát, doanh nghiệp cam kết rằng hợp đồng pháp lý cụ thể rõ ràng; lợi nhuận chuyển mỗi ngày vào tài khoản sau 2 ngày kí hợp đồng; được rút vốn bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, không lo sợ về rủi ro…
Hợp đồng góp vốn của công ty Tâm Lộc Phát đa cấp
Đồng thời, Công ty Tâm Lộc Phát cũng đăng tải 12 gói đầu tư, từ thấp nhất 5 triệu đồng tới cao nhất là 5 tỉ đồng. Đặc điểm chung của các gói đầu tư này đều là mức lãi suất khá cao, điều này cũng dễ hiểu khi nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn tiền nhà rỗi để có khoản sinh lời cao hơn.
Với 12 gói đầu tư, Công ty Tâm Lộc Phát đưa ra một bản hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, ký kết giữa bên A là Công ty Tâm Lộc Phát và bên B là nhà đầu tư, nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng chỉ việc lựa chọn 1 trong 12 gói đầu tư được đưa ra. Thế nhưng, Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh do Công ty Tâm Lộc Phát soạn thảo có đúng là cùng hợp tác đầu tư hay không?
Tại Điều 5.1 (về phía Công ty) của Hợp đồng góp vốn kinh doanh này có đoạn quy định: “Toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyền quyết định riêng của bên A dùng mục đích hợp tác trong hợp đồng này trong thời hạn hợp đồng”.
Theo Luật Đầu tư 2020, thì Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế… Nội dung quan hệ đầu tư theo hợp đồng BCC là những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh. Rõ ràng, hợp đồng mà Công ty Tâm Lộc Pháp soạn thảo không có tính chất này.
Mặt khác, hợp đồng này mang tính chất “ủy thác đầu tư” hơn cả. Bởi theo quy định pháp luật, ủy thác đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp, được áp dụng cho hầu hết các ngành nghề. Theo đó, bên ủy thác đầu tư (bên giao vốn đầu tư), trường hợp này là doanh nghiệp tiến hành ủy thác một số vốn nhất định cho bên nhận ủy thác (bên nhận vốn đầu tư) có thể là ngân hàng, các công ty quản lý quỹ, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư để tiến hành hoạt động đầu tư nhằm mục đích sinh lợi.
Chiếu theo các điều khoản được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, phải khẳng định rõ Công ty Tâm Lộc Phát không phải là một tổ chức tín dụng, do đó không được phép thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Có thể nói, Hợp đồng góp vốn kinh doanh của Công ty Tâm Lộc Phát được lập ra chỉ để che đậy bản chất thật của hoạt động ủy thác đầu tư, vốn đã vi phạm pháp luật khi doanh nghiệp này không có chức năng nhận ủy thác. Khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng này hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu một phần hoặc toàn phần, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư không thể đòi lại số tiền đã bỏ ra. Chưa kể, Công ty Tâm Lộc Phát không thể hiện được rõ ràng các loại tài sản, mà Công ty này đang giới thiệu sở hữu có chắc chắn đem lại lợi nhuận hay không, thậm chí cũng không đưa ra được một đảm bảo nào đối với nhà đầu tư rằng số tiền góp vốn sẽ không bị mất trắng. Với việc mọi hoạt động kinh doanh như thế nào, lời lãi ra sao chỉ Công ty Tâm Lộc Phát được biết, thì việc thay đổi hay kéo dài thời gian trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng chỉ có doanh nghiệp này “hô biến” theo ý thích.